Du lịch cộng đồng cần tạo dấu ấn riêng

- Cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, nền văn hóa đặc sắc, đa dạng và phong phú của 22 dân tộc anh em cùng sinh sống đã tạo cho Tuyên Quang nguồn tài nguyên du lịch rất lớn. Tận dụng lợi thế này, tỉnh đã đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, qua đó góp phần bảo vệ môi trường cảnh quan, đa dạng loại hình dịch vụ, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, đến nay du lịch cộng đồng tại tỉnh ta vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có và còn thiếu tính bền vững.

Về vấn đề này, Báo Tuyên Quang đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện phát triển du lịch Châu Á (ATI), Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) về nguyên nhân và giải pháp cần tập trung triển khai để du lịch cộng đồng của Tuyên Quang bứt phá.

Ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện phát triển du lịch Châu Á (ATI), Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC)

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch cộng đồng tại Tuyên Quang? Theo ông, điểm khác biệt của du lịch cộng đồng tạo dấu ấn với du khách tại Tuyên Quang là gì?

Ông Phạm Hải Quỳnh: Tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch cộng đồng tại Tuyên Quang là rất lớn. Tuyên Quang có cảnh quan thiên nhiên đẹp, với nhiều điểm đến hấp dẫn. Tuyên Quang cũng có nền văn hóa rất đa dạng. Điều đặc biệt, cảnh quan thiên nhiên và giá trị văn hóa bản địa tại Tuyên Quang tạo ra điểm khác biệt của du lịch cộng đồng, một sức hút vô cùng lớn với du khách. Với một bản sắc văn hóa đa dạng đang được bảo tồn, một thiên nhiên hấp dẫn đầy sức hút đã tạo cho Tuyên Quang một bức tranh tổng quan vô cùng phong phú và ấn tượng.

Du khách trải nghiệm làm bánh dày tại Làng văn hóa du lịch Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương).

Phóng viên: Nhiều nơi có thế mạnh về phát triển du lịch cộng đồng nhưng việc phát triển ồ ạt đã khiến du lịch cộng đồng thiếu tính bền vững, làm giảm sự hấp dẫn đối với du khách. Ông đánh giá sao về vấn đề này?

Ông Phạm Hải Quỳnh: Hiện một số địa phương chưa định hình được tổng quan về chiến lược trong phát triển du lịch cộng đồng, vì vậy mới nằm ở mức cho đi học hỏi hoặc học hỏi rồi chỉ dẫn lại nên việc xây dựng các mô hình không có giá trị văn hóa khác biệt, tạo ra các sản phẩm trùng lặp, không có sức hút. Cộng với việc không có kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng địa phương theo từng giai đoạn, nên không tạo được sức mạnh của nội lực cộng đồng, không tạo ra những sản phẩm thuần khiết của văn hóa, của con người từng địa phương riêng biệt mà còn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, kinh doanh manh mún...

Việc tăng cường quản lý, bảo vệ môi trường, tôn trọng văn hóa cộng đồng, tôn trọng và có quy hoạch phù hợp để bảo tồn thiên nhiên, lấy văn hóa bản địa làm định hướng để phát triển từ đó tạo sự khác biệt trong từng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho cộng đồng địa phương là những yếu tố quan trọng để du lịch cộng đồng phát triển và giữ được sự hấp dẫn với du khách.

Du khách check-in tại cánh đồng lúa Làng văn hóa Nặm Đíp, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình).

Phóng viên: Theo ông, Tuyên Quang cần làm như thế nào để thu hút được người dân tham gia và để du lịch cộng đồng phát triển bền vững? 

Ông Phạm Hải Quỳnh: Để thu hút người dân tham gia du lịch cộng đồng, chúng ta phải định hướng cách dùng sức mạnh cộng đồng, ngày công nhàn rỗi với sự song hành của chuyên gia, của chính quyền cùng chung tay tạo ra những mô hình, những làng du lịch cộng đồng do cộng đồng cùng chung tay, chung sức, chung tài chính, tạo sự cam kết và sẵn sàng làm để kiếm tiền cho cá nhân, cho cộng đồng. 

Để du lịch cộng đồng bứt phá, Tuyên Quang cần quy hoạch phân khu rõ ràng,  khu vực nào cần bảo tồn kiến trúc bản địa, khu vực nào cần phát huy các mô hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.  Đặc biệt, cần quản lý chặt chẽ trong việc xây dựng các mô hình nhà theo trend, nhà homestay không đúng nghĩa hay lai tạp văn hóa làm các dịch vụ văn hóa không phải của mình hoặc những sản phẩm tương đồng mà quá nhiều nơi đã làm.

Tỉnh cũng cần tăng cường việc giáo dục, tạo ra các chương trình đào tạo và hướng dẫn cho cộng đồng về ý thức bảo vệ môi trường, văn hóa cộng đồng và cách thức tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng.

Đồng thời, cần xây dựng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích cộng đồng tham gia và hưởng lợi từ hoạt động du lịch cộng đồng, đảm bảo tính bền vững và phát triển lâu dài của du lịch tại địa phương. Khi có bộ sản phẩm khác biệt, quy chuẩn cần xây dựng kế hoạch cụ thể trong truyền thông, quảng bá, song hành và giúp duy trì cộng đồng tốt nhất mới mong phát triển du lịch cộng đồng địa phương bền vững được.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông.

Thực hiện: Lý Thu

Tin cùng chuyên mục